Thứ Tư, 15 tháng 5, 2013

10 thành phố lý tưởng cho những người sành ăn

Tới London cho các món nội tạng, New York để nếm những món chế biến từ thịt lợn, hay món bánh bao ở Thượng Hải, Trung Quốc.

Ngày càng có nhiều người đi du lịch để thưởng thức những món ăn ngon trên thế giới. Đối với họ những công trình kỉ niệm hay những bảo tàng đã không còn đặc biệt nữa, mua sắm cũng đã lỗi thời, các khách sạn cũng cần thiết nhưng cũng không còn liên quan cho lắm. Mục đích chính trong các chuyến du lịch của họ là thưởng thức đồ ăn ngon. Bởi như bạn biết đấy, bạn phải ăn 3 lần trong 1 ngày, do đó rất là bình thường khi xem nó là vấn đề trung tâm cho chuyến đi.

1. London - điểm đến cho những món ăn nội tạng

10 thành phố lý tưởng cho người thích món ăn ngon
Trước đây, mọi người luôn nghĩ rằng những món ăn của Anh đều là những món rau nấu chín kĩ và khoai tây chiên. Trong vài thập kỉ qua, London đã trở thành nơi dành cho những người thích ăn uống: món mặn Tây Ban Nha khác lạ, những món Pháp cao cấp và bánh pizza tuyệt ngon bên ngoài Naples. Nhưng món ăn hiện đại của Anh bây giờ đã làm du khách hài lòng hơn rất nhiều và nó trở thành nơi tuyệt nhất tại St John Fergus Henderson. Henderson nổi tiếng bởi những món ăn đơn giản được chế biến tinh xảo như: Tim bò với củ cải đường. Tuy nhiên món sườn nướng kèm với salad rau mùi tây là đặc trưng của vùng đất này: khoanh tủy xương nướng ăn với rau mùi tây và một ít bột chua rắc lên trên.

2. New York - thưởng thức các món từ thịt lợn

10 thành phố lý tưởng cho người thích món ăn ngon
Thành phố New York có số người thích ăn uống cao hơn bất kì vùng nào trên thế giới và thịt lợn là món chiếm được nhiều tình cảm nhất với người dân vùng đất này. Có những món nướng mang phong cách miền nam tại Fette Sau -Williamsburg và cách nướng bánh mì thịt lợn của Porchetta. Ở đây có một đầu bếp chuyên nấu những món ăn hiện đại của thành phố: David Chang- chủ của 3 nhà hàng Lower East Side hay còn gọi là Monofuku. Anh Chang là người Mĩ gốc Hàn, tại nhà hàng của mình anh phục vụ những món Hàn Quốc hiện đại. Tới đây,du khách có thể yêu cầu nấu chín kĩ thịt lợn. Lần cuối tôi đặt chân đến đây đã được chứng kiến cuộc thi ngang sức ngang tài giữa Empire State và Momofuku, kết quả là Momofuku đã giành chiến thắng.

3. Portland - Oregon, nơi diễn ra những chuyển biến mạnh mẽ về ẩm thực

10 thành phố lý tưởng cho người thích món ăn ngon
Một năm hoặc lâu hơn trở lại, một trong những đầu bếp nổi tiếng nhất Portland vướng vào một vụ ẩu đả về thịt lợn địa phương. Khắp thành phố, thực đơn thay đổi hàng ngày tùy thuộc vào những gì có sẵn, trong khi đầu bếp lại đùa giỡn với các thành phần di sản địa phương và thịt một nguồn duy nhất. Tất cả đều sẽ rất nhàm chán với những thực phẩm không tốt này. Bạn có thể thấy tại Le Pigeon Gabe Rucker ở phía đông bắc của thành phố miếng thịt lợn được thái ra và ngâm trong nước muối và quay cùng lá trầu, ăn nó cùng với đậu xanh nướng, pho-mát ricotta trắng và ít ớt tươi. Thật tuyệt khi được thưởng thức những món ăn Pháp, và đó là một thay thế tuyệt vời.

4. Singapore cho những món ăn đường phố

10 thành phố lý tưởng cho người thích món ăn ngon
Có những bữa tối ngon trong không gian sang trọng của một chuỗi các nhà hàng nhưng chúng tôi đã chọn những món ăn hè phố: cà ri laksa, phở cá bóng tới mee goreng.

5. Bánh bao ở Thượng Hải

10 thành phố lý tưởng cho người thích món ăn ngon
Bánh bao giống như một món tiêu biểu cho ẩm thực của người Thượng Hải và bạn cũng có thể tìm thấy nó ở bất kì nơi đâu ở Trung Quốc. Mỗi loại bánh bao lại có những mùi vị khác nhau nhưng “Tiểu long bao” là ngon hơn cả. Bạn có thể tìm thưởng thức nó ở khắp các thành phố. Nó mang hương vị đặc biệt, bên trong gồm có thịt lợn, cua và các nguyên liệu khác. Chúng hòa quyện vào nhau và được bao bọc bởi một lớp vỏ bên ngoài. Sau khi hấp xong, bạn hãy cắn một miếng ở trên đầu chiếc bánh, mút súp bên trong và tiếp tục thưởng thức các phần còn lại của chiếc bánh.

Địa chỉ lí tưởng cho bạn thưởng thức món bánh bao này là ở Jia Jia Tang Bao –một địa điểm quan trọng nằm trên con đường Nanjing. Không có những kí hiệu bằng tiếng Anh hoặc thực đơn bằng tiếng  Anh nhưng bạn đừng nên lúng túng khi gọi món bởi nhà hàng đã biết bạn tới đây để thưởng thức những món gì rồi.

6. Món mặn Tây Ban Nha ở Barcelona

10 thành phố lý tưởng cho người thích món ăn ngon
Barcelona được liệt kê vào danh sách nơi có món mặn ngon tại Tây Ban Nha. Chỉ cần du khách vượt qua được những cái bẫy du lịch tại La Ramblas thì bạn sẽ có những kỉ niệm đẹp. Đây là thành phố khởi nguồn của các món mặn. Vào buổi tối hãy thưởng thức những chiếc bánh nho nhỏ đi kèm một chút rượu. El Quim là nơi nắm giữ tinh hoa ẩm thực của thành phố này. Các dịch vụ ở đây thường rất nhanh và cộc cằn và nó chỉ mở cửa vào ban ngày. Tới đây, bạn hãy ngồi xuống một chiếc ghế giống như trong quán Bar và hỏi hôm nay có gì ngon, rồi người phụ nữ lớn tuổi sẽ đưa ra cho bạn.

7. Món Thái hiện đại ở Sydney
10 thành phố lý tưởng cho người thích món ăn ngon
Sydney được liệt kê vào trong danh sách này bởi nhiều lí do. Nhưng tình yêu với thành phố này được tạo bởi những món Thái – một đặc trưng riêng biệt của vùng đất này. Những đầu bếp trong thành phố đã chế biến sáng tạo những món Thái truyền thống làm cho nó tuyệt hơn và phổ biến hơn. Bạn không nên bỏ lỡ 2 hàng hàng Spice I am và Longrain- nơi khởi đầu cho cách mạng hóa món Thái ở Úc và tận sau 12 năm nhà hàng vẫn thu hút một lượng lớn khách hàng đêm.

8. Melbourne- những nhà hàng giống như những quán bar

10 thành phố lý tưởng cho người thích món ăn ngon
Có một vài điều đặc biệt về thành phố này, từ những con đường nhỏ chật hẹp tới vùng nội thành lôi thôi của mình. Điều này có nghĩa là xu hướng tự nhiên của thành phố Melbourne là tới những gì thật bình dân, mặc dù nó là nơi trọng yếu trong thành phố. Ở đây, bạn sẽ tìm thấy những nhà hàng ở giữa những quán bar. Những món ăn ở đây đều khá giống nhau và các dịch vụ khá tuyệt. Nhưng nhà hàng MoVida vẫn là địa điểm lí tưởng cho những bữa tối bình dân ở Melbourne. Bốn nhà hàng khắp CBD, phục vụ những món mặn Tây Ban Nha ngon tuyệt. Bạn có thể tìm thấy nó ở bất kì nơi đâu trên hành tinh này kể cả ở Barcelona.

9. Tới Naples để thưởng thức Pizza

10 thành phố lý tưởng cho người thích món ăn ngon
Thành phố Naples có thể rối ren, tham nhũng và vô tổ chức nhưng nó cũng là chủ nhà của những món ăn Ý với cà chua chín, húng quế, mì, hải sản, tất cả chúng đều tươi sống và ngập tràn hương vị. Và sau đó là bánh pizza. Napoli không phải là nhà phát minh ra bánh pizza, nhưng bạn có thể nói rằng họ định nghĩa nó - họ là những người đầu tiên đưa cà chua vào pizza và một đầu bếp Naples là người đầu tiên thêm vào pizza phô mai Mozzarella tại nhà hàng Antica Pizzeria Brandi, mà ngày nay nó vẫn còn tồn tại. Bánh pizza ở đây mộc mạc, mạnh mẽ, ngang bướng – nó được đốt bằng gỗ, với các cạnh cháy vàng từ lò nướng và phần bên trong dai.

Như bạn nghĩ thì không ai có thể đồng ý rằng những gợi ý trên là tốt nhất, nhưng bạn nên bắt đầu với Da Michele, một quầy pizza truyền thống có từ thế kỉ 19, chỉ phục vụ hai loại bánh pizza - Margherita và Marinara. Cả hai đều ngon đến không thể tin được.

10. San Francisco – nơi ăn uống hiện đại bắt đầu

10 thành phố lý tưởng cho người thích món ăn ngon
Nó sở hữu một số nhà hàng tốt nhất thế giới, hệ thống nhà hàng Chez Panisse ở San Francisco mở ra một thế hệ mới trong ăn uống. Alice Waters tập trung vào ẩm thực theo mùa và các thành phần hữu cơ trước khi bất cứ ai khác biết có một vấn đề với các chuỗi thức ăn. Nhà hàng này hàng đêm vẫn phục vụ cho du khách những món ăn tuyệt hảo. Vào một buổi sáng thứ hai, bạn có thể ăn một bữa gồm ba món với giá 60 đô-la.

Vì vậy, chúng tôi hướng dẫn bạn đến Tartine ở quận Castro của thành phố. Nó ban đầu là một tiệm bánh: một xu hướng trung thành với một sách dạy nấu ăn tuyệt đẹp và nó đã mở rộng nhà hàng. Chúng tôi khuyên bạn nên đến với nhà hàng gốc và ăn một pecorino và bánh sandwich nướng với hạnh nhân.

Theo Vietnamnet

Thứ Ba, 14 tháng 5, 2013

Nộm ngó sen tôm thịt

Nộm ngó sen tôm thịt là món ăn nhẹ, trong kết cấu của một buổi tiệc thì nộm ngó sen thường được dọn sau bát bửu khai vị, thịt nguội và trước các món tôm, cá, thịt. Món này có thể ăn cùng với bánh phồng tôm, chấm nước mắm ngọt.
Nguyên liệu:
Ngó sen: 500 g
Tôm tươi: 150 g
Thịt ba chỉ: 150 g
Lạc: 100 g
Gia vị: Nước mắm, tỏi, ớt tươi, đường, rau răm, rau mùi, dấm, muối, chanh quả.

Làm món ăn ngon với nộm ngó sen tôm thịt (gỏi ngó sen)
Cách làm:
Ngó sen non rửa sạch, cắt khúc ngắn 4 cm, chẻ mỏng, ngâm vào nước có pha dấm cho ngó sen trắng.

Thịt rửa sạch, luộc chín, thái mỏng + to bản, ướp tiêu, muối, nước cốt chanh

Tôm luộc chín, bóc vỏ, con to chẻ làm 2, nhỏ để nguyên

Lạc rang vàng, xát vỏ, giã dập

Rau răm, rau mùi nhặt rửa sạch, cắt khúc

Pha một bát gồm: dấm, ớt, tỏi, đường, nước mắm, chanh, nếm vị cân đối

Lấy ngó sen vảy ráo nước cho vào khay sạch, cho ½ bát nước đã hòa vào ngó sen trộn đều để ngấm. Chắt bớt nước ở khay đi, cho tôm, thịt và chỗ nước nộm còn lại vào khay, trộn đều, nếm lại vừa ăn. Bày nôm ra đĩa, rắc lạc + rau răm + rau mùi.

Mách bạn: Món này trong Nam gọi là Gỏi ngó sen tôm thịt, cách chế biến có hơi khác một tí. Mai rảnh Bí Ngô sẽ hướng dẫn tiếp.

Liên Hợp Quốc kêu gọi nhân loại ăn côn trùng

Ăn côn trùng là một trong những biện pháp hiệu quả để chống nạn đói toàn cầu, một báo cáo mới của Liên Hợp Quốc tuyên bố.

Tổ chức Nông lương Liên Hợp Quốc (FAO), cơ quan công bố báo cáo, khẳng định rằng ăn côn trùng là cách để con người tăng cường dinh dưỡng và giảm ô nhiễm môi trường.

"Hơn hai tỷ người trên thế giới đang bổ sung dưỡng chất bằng cách ăn côn trùng trong bữa ăn hàng ngày. Tuy nhiên, cảm giác ghê tởm côn trùng của người dân các nước phương Tây vẫn là một rào cản đối với nỗ lực biến côn trùng thành thực phẩm", báo cáo tiết lộ.

Báo cáo nhắc lại rằng côn trùng là loại thức ăn giàu dinh dưỡng do chứa nhiều protein, chất béo và chất khoáng. Nhộng ong, bọ xít, nhộng tằm, châu chấu, dế mèn, cà cuống, bọ cạp và nhiều loài côn trùng khác là thực phẩm khá phổ biến tại các đang phát triển. Chúng là nguồn thực phẩm bổ sung cực kỳ quan trọng đối với trẻ suy dinh dưỡng.

Theo FAO, nuôi côn trùng trong trang trại là một trong những cách để con người chống nạn đói.

“Côn trùng sống khắp nơi. Chúng sinh sản nhanh và tăng trưởng cũng nhanh”, báo cáo lập luận.

Các món ăn ngon từ côn trùng
Côn trùng cũng là những con vật “cực kỳ hiệu quả” trong việc biến thực phẩm thành thịt. Chẳng hạn, để tạo ra một lượng protein như nhau, một con bò sẽ cần khoảng thời gian gấp 12 lần so với một con dế. Phần lớn côn trùng thải ra ít khí thải nhà kính hơn so với gia súc.

FAO nhận định rằng, ngành công nghiệp thực phẩm có thể góp phần vào việc nâng cao vị thế của côn trùng bằng cách đưa chúng vào các công thức chế biến món ăn và thực đơn nhà hàng.

“Ở nhiều nơi, một số loài côn trùng là đặc sản. Chẳng hạn, người dân ở phía nam châu Phi coi một số loài sâu là thực phẩm hảo hạng và họ phải chi rất nhiều tiền để mua chúng”, báo cáo nhấn mạnh.

Báo cáo kêu gọi các nước thay đổi luật và cách thức sản xuất để người dân thường xuyên sử dụng côn trùng làm thực phẩm. “Việc ăn côn trùng trên quy mô lớn là một thói quen bền vững về mặt kỹ thuật. Những công ty hàng đầu trên thế giới đang đi tiên phong trong xu hướng này”, báo cáo kết luận.

Theo Vnexpress
Liên Hợp Quốc kêu gọi nhân loại ăn côn trùng

Độc đáo quán cafe xếp gỗ Kureon, Nhật Bản

Độc đáo quán cafe xếp gỗ Kureon, Nhật Bản, khám phá, địa điểm độc đáo, dia chi am thuc, địa điểm ăn uống 365, diemanuong365.blogspot.com(DAU365) - Nếu có dịp tới Toyama, Nhật Bản, bạn nên ghé quán cà phê xếp gỗ Kureon để thưởng thức những tách cà phê tuyệt vời trong kiến trúc độc đáo của quán.

Quán cà phê xếp gỗ Kureon, ở thành phố Toyama, Nhật Bản là thiết kế độc đáo của công ty thiết kế Kengo Kuma và các cộng sự, sau những ngày làm việc vất vả. Quán cà phê Kureon nằm trên một đồng cỏ xanh tốt, bao phủ là một mầu xanh thiên nhiên tuyệt đẹp và có diện tích 197 m2. Với nội thất bên trong và phần bên ngoài của quán được thiết kế bao phủ những thanh gỗ lớn gắn lại với nhau tạo thành một kết cấu vững chắc.

Độc đáo quán cafe xếp gỗ Kureon, Nhật Bản, khám phá, địa điểm độc đáo, dia chi am thuc, địa điểm ăn uống 365, diemanuong365.blogspot.com
Độc đáo quán cafe xếp gỗ Kureon, Nhật Bản, khám phá, địa điểm độc đáo, dia chi am thuc, địa điểm ăn uống 365, diemanuong365.blogspot.com

Không gian hoàn toàn mở cho quán với việc sử dụng toàn bộ kính trắng tạo lên sự gần gũi giữa không gian thiên nhiên bên ngoài với không gian bên trong của quán, mang lại sự độc đáo trong kiến trúc. Nội thất mang đậm kiến trúc đất nước mặt trời mọc.

Độc đáo quán cafe xếp gỗ Kureon, Nhật Bản, khám phá, địa điểm độc đáo, dia chi am thuc, địa điểm ăn uống 365, diemanuong365.blogspot.com
Độc đáo quán cafe xếp gỗ Kureon, Nhật Bản, khám phá, địa điểm độc đáo, dia chi am thuc, địa điểm ăn uống 365, diemanuong365.blogspot.com

Quán cà phê Kureon là một nơi lý tưởng để thưởng thức những tách cà phê tuyệt vời, một không gian chia sẻ dành cho bạn, nếu có dịp tới Toyama các bạn có thể ghé thăm Kureon. Hy vọng các bạn sẽ thấy thú vị !

Độc đáo quán cafe xếp gỗ Kureon, Nhật Bản, khám phá, địa điểm độc đáo, dia chi am thuc, địa điểm ăn uống 365, diemanuong365.blogspot.com

Diemanuong365 (Theo Congdongkien)

Một Thứ Quà Của Lúa Non: Cốm

Cơn gió mùa thu hạ lướt qua vùng sen trên hồ, nhuần thấm cái hương thơm của lá, như báo trước mùa về của một thức quà thanh nhã và tinh khiết. Các bạn ngửi thấy, khi đi qua những cánh đồng xanh, mà hạt thóc nếp đầu tiên làm trĩu thân lúa còn tươi, ngửi thấy cái mùi thơm mát của bông lúa non không? trong cái vỏ xanh kia, có một giọt sữa trắng thơm, phản phất hươnh vị mùi hoa cỏ. Dưới ánh nắng, giọt sữa dần dần đông lại, bông lúc càng ngày càng cong xuống, nặng vì cái chất quý trong sạch của Trời.

Đợi đến lúc vừa nhất, mà chỉ riêng những người chuyên môn mới định được,người ta gặt mang về. Rồi đến một loạt cách chế biến, những cách thức làm, truyền tự đời này sang đời khác, một sự bí mật trân trọng và khe khắt giữ gìn, các cô gái Vòng làm ra thứ cốm dẻo và thơm ấy. Tất nhiên là nhiều nơi cũng biết cách thức làm cốm, nhưng không có đâu làm được cốm dẻo, thơm và ngon được ở làng Vòng, gần Hà Nội. Tiếng cốm Vòng đã lan khắp tất cả ba kỳ, và đến mùa cốm, các người ở Hà Nội 36 phố phường vẫn thường ngóng trông cô hàng cốm xinh xinh, áo quần gọn ghẽ, với cái dấu hiệu đặc biệt là cái đòn gánh hai đầu cong vút lên như chiếc thuyền rồng ...
Món ngon của người Hà Nội: Cốm Vòng

Cốm là thức quà đặc biệt riêng của đất nước, là thức dâng của những cánh đồng lúa bát ngát xanh, mang trong hương vị tất cả cái mộc mạc, giản dị và thanh khiết của đồng quê nội cỏ Việt Nam. Ai nghĩ đầu tiên dùng cốm để làm quà siêu tết? Không có gì hợp hơn với sự vương vít của tơ hồng, thức quà trong sạch, trung thành như các việc lễ nghi. Hồng cốm tốt đôi ... Và không bao giờ có hai màu lại hòa hợp hơn nữa: màu xanh tươi của cốm như ngọc thạch quý, màu đỏ thắm của hồng như ngọc lựu già. Một thứ thanh đạm, một thứ ngọt sắc, hai vị nâng đỡ nhau để hạnh phúc được lâu bền. (Thật đáng tiếc khi chúng ta thấy những tục lệ tốt đẹp ấy mất dần, và những thức quý của đất mình thay dần bằng những thức bóng bẩy hào nháng và thô kệch bắt chước nước ngoài: những kẻ mới giàu vô học có biết đâu thưởng thức được những vẻ cao quý kín đáo và nhũn nhặn?).

Cốm không phải là thức quà của người vội; ăn cốm phải ăn từng chút ít, thong thả và ngẫm nghĩ. Lúc bấy giờ ta mới thấy thu lại cả trong hương vị ấy, cái mùi thơm phức của lúa mới, của hoa cỏ dại ven bờ: trong màu xanh của cốm, cái tươi mát của lá non, và trong chất ngọt của cốm, cái dịu dàng thanh đạm của loài thảo mộc. Thêm vào cái mùi hơi ngát của lá sen già, ướp lấy từng hạt cốm một, còn giữ lại cái ấm áp của những ngày mùa hạ trên hồ. Chúng ta có thể nói rằng trời sinh lá sen để bao bọc cốm, cũng như trời sinh cốm nằm ủ tronglá sen, chúng ta thấy hiện ra từng lá cốm, sạch sẽ và tinh khiết, không có mảy may chút bụi nào. Hỡi các bà mua hàng! Chớ có thọc tay mân mê thức quà thần tiên ấy, hãy nhẹ nhàng mà nâng đỡ, chút chiu mà vuốt ve ... Phải nên kính trọng cái lộc của Trời, cái khéo léo của người, và sự cố tiềm tàng và nhẫn nại của thần lúa. Sự thưởng thức của các bà sẽ được trang nhã và đẹp đẽ hơn và cái vui cũng sẽ tươi sáng hơn nhiều lắm.

Cốm để nguyên chất ăn bao giờ cũng ngon và nhiều vị. Tất cả những cách thức đem nấu khác chỉ làm cho thức quà ấy bớt mùi thơm và chất dẻo đi thôi. Tuy vậy, nhiều người ưa cái thứ cốm xào, thắng đường rất quánh. Thành ra một thứ quà ngọt sắc và dính răng. Như vậy tưởng mua bánh cốm mà ăn lại còn thú vị hơn. Ở Hà Nội, người ta còn làm một thứ chả cốm, nhưng cái thanh đạm của vị lúa không dễ ăn với cái béo tục của thịt, mỡ.

Tôi thích hơn thứ chè cốm, nấu vừa đường và không đặc. Ít ra ở đây cốm cũng còn giữ được chút ít vị thơm và chất dẻo, và chè cốm ăn cũng mát và lạnh. Nhưng cũng chắng gì hơn là một lá cốm Vòng tươi sạch trong một chiếc lá sen mới hái về.

Bò bít tết khoai tây

Bò bít tết thì là bò bít tết, còn đeo thêm khoai tây làm gì? Ây da, thực ra bạn nào làm dâu trăm họ trong cái nghề ăn uống mới biết rằng bò bít tết cũng có nhiều loại. Này nhé: loại dùng chung với rau xà lách (là một trong bò 7 món); loại dùng chung với pa-tê, trứng gà. Hôm nay Bí Ngô sẽ hướng dẫn các bạn cách làm đơn giản nhất.

Nguyên liệu:
Thịt thăn bò: 400 g
Bơ: 10 g
Dầu ăn: 50g
Khoai tây: 100 g
Gia vị: muối, tiêu, tỏi khô, cà chua.

Thưởng thức món ăn ngon với bò bít tết

Cách làm:
Thịt bò lọc bỏ gân sơ, thái miếng ngang thớ dầy khoảng 2 cm. Dần mềm ướp tiêu, tỏi khô băm nhỏ.

Khoai tây thái con chì ngâm với nước muối vớt ra đẻ ráo nước, rán vàng.

Cho dầu vào chảo đun nóng già, gắp từng miếng thịt vào áp chín tái, bầy vào đĩa.

Phi thơm tỏi băm nhỏ với bơ, đội lên đĩa thịt ăn nóng với khoai tây rán và cà chua. Chấm muối tiêu.

Bạn nào thích thêm trứng ốp la và pa-tê xin cứ tự tiện, dầu có, chảo sẵn, làm liền thôi. 

À quên! Cái này ăn cùng bánh mì các bạn nhé.

Thứ Hai, 13 tháng 5, 2013

Người Hà Nội bảo thủ trong ăn uống


Hiện nay, trên lĩnh vực quảng bá văn hóa ẩm thực Việt Nam chúng ta chưa chú trọng phát triển, do đó người dân chưa biết nhiều đến ẩm thực, văn hóa của người Việt từ xưa đến nay. Những hương vị xưa đang dần dần bị mai một, không còn giữ được gốc hay đã bị lai tạp dần cần được khôi phục và gìn giữ và phát triển sâu rộng và mạnh mẽ hơn nữa.

Gần đây, trong buổi Hội thảo về Ẩm thực và Văn hóa của Chương trình Ẩm thực 36 phố, diễn ra tại Quán Ăn Ngon, 34 Phan Đình Phùng, Hà Nội. Nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa Đào Hùng (con trai cụ Đào Duy Anh) đã chia sẻ rất thẳng thắn và chân thực về “Ẩm thực Hà Nội những đổi thay khi tiếp xúc với người Pháp”.

Theo ông Đào Hùng, người Hà Nội bắt đầu tiếp xúc với lối sống và cách ăn uống của người Pháp từ năm 1883, khi người Pháp chiếm Hà Nội, bắt đầu khai thác thành phổ thuộc địa này.

Những ảnh hưởng của người Pháp về ẩm thực vào người Việt Nam rõ nét nhất đó là các món ăn như Thịt bò; Bánh mì; Sữa tươi; Trứng gà; Súp… Và không có món ăn nào của người nước ngoài mà người Hà Nội nói riêng, người Việt Nam nói chung không tiếp nhận, nhưng hầu hết đều làm biến cách và thay đổi các món ăn đó.

Nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa Đào Hùng còn cho rằng người Hà Nội vô cùng “bảo thủ” trong việc ăn uống, bây giờ trong ăn uống vẫn cứ bày cỗ “4 đĩa 5 bát”, gồm bất kì những món ăn nào đó thì cũng phải nấu theo kiểu Việt Nam, không nhiều tiếp nhận những món ăn của người nước ngoài.

“Không giống như người Sài Gòn, nếu như ta đến Sài Gòn sẽ thấy rất nhiều các món ăn của người nước ngoài và có đầy đủ các món ăn của 3 miền Việt Nam (Bắc – Trung – Nam), còn ở Hà Nội rất ít món ăn của khắp 3 miền, nó không phổ biến chủ yếu người Hà Nội, ở Hà Nội chỉ ăn các món ăn của người Hà Nội nào là Bún thang, bún riêu, bún ốc, các món phở v.v… ngày trước ở Hà Nội có xuất hiện món ăn rất ngon và nổi tiếng của Cao Bằng, Lạng Sơn là món Phở Chua nhưng chỉ được một thời gian ngắn không thấy xuất hiện bày bán nữa. Rồi có những món của những nơi khác như Mì Quảng cũng đã có mặt ở Hà Nội một thời gian rồi cũng đóng cửa vì không có khách.

Món ngon Hà Nội
Hà Nội chỉ ăn các món ăn của người Hà Nội nào là Bún thang, bún riêu, bún
Nhớ lại thời kì chiến tranh người miền Nam tập kết ra Bắc rất nhiều mà đặc điểm của người miền Nam lại rất thích ăn các món ăn như rắn, lươn, cua, ếch, nhái…họ ăn rất nhiều nhưng hầu hết đều không ảnh hưởng đến khẩu vị, ẩm thực của người Hà Nội, chỉ ăn gà, lợn, dê. Cho đến bây giờ tôi vẫn cảm thấy người Hà Nội vẫn chưa chuộng những món ăn của những nơi khác. Đấy là những món ăn ở trong nước huống chi là những món ăn của người nước ngoài.

Người Hà Nội vẫn chỉ thích ăn những món ăn của riêng mình, ăn những món ăn mang tính chất của người miền Bắc, của người Hà Nội chứ không mang nhiều tính chất món ăn của 3 miền, của người Việt Nam. Hà Nội hiện nay cũng có ít cửa hàng của người nước ngoài, dường như nó rất ít phát triển. Ở thời Pháp thuộc cũng vậy, người Hà Nội rất ít quán ăn, hay món ăn phương tây, có hay không người Hà Nội chỉ ăn đồ nước ngoài đó là các món ăn của Tàu, cơm Tàu”.

Ông luôn mong muốn các cơ quan chức năng, đối với những người làm kinh doanh ẩm thực làm thế nào để phá vỡ tính trì trệ, bảo thủ của người Hà Nội trong việc ăn uống, làm sao để quảng bá đến cộng đồng người dân, biết đến các món ăn đại diện mang tính toàn quốc để giới thiệu cho người nước ngoài biết đến. Vì Hà Nội là một nơi thu hút đông đảo khách du lịch nước ngoài đến với Việt Nam.

Theo: Báo Lao Động

Bồi bổ sức khỏe trong những ngày đèn đỏ

Khi hành kinh, phụ nữ luôn cảm thấy mệt mỏi vì bị mất máu nhiều. Những món cháo dễ thực hiện, dễ ăn nhất là vào những ngày hè nóng nực sẽ là bài thuốc hữu hiệu cho phụ nữ khi đến tháng, mời các bạn tham khảo.

Cháo ích mẫu nấu đường đỏ: ích mẫu 120g, gạo tẻ ngon 50g, đường đỏ và nước đủ dùng. Ích mẫu cắt khúc, rửa sạch cho vào nồi đun sôi, bỏ bã lấy nước. Gạo vo sạch, cho nước ích mẫu vào nấu thành cháo. Khi cháo nhừ cho đường đỏ đun sôi là dùng được. Nên ăn lúc đói, tốt nhất là vào buổi sáng, ăn liên tục trong 5 ngày. Món cháo ích mẫu có tác dụng hoạt huyết hóa ứ, chữa rong kinh, kinh nguyệt nhiều, có máu cục, máu đen.

Cháo tôm nõn nấu hẹ: tôm nõn 10g, hẹ 30g, gạo ngon 100g, nước vừa đủ. Tôm nõn ngâm nước ấm khoảng 1 giờ, rau hẹ nhặt, rửa sạch, thái khúc nhỏ cho cùng gạo đã vo sạch nấu thành cháo. Khi cháo đã chín nhừ, cho tôm nõn giã nhỏ, đun sôi là dùng được. Mỗi ngày 1 thang, nên ăn trong vòng 1 tuần.
Món ăn bài thuốc, cháo ích mẫu cho ngày đèn đỏ
Cháo Ích mẫu
Cháo đậu xanh gan lợn: đậu xanh 20g, gạo tẻ 50g, gan lợn 200g, nước, gia vị vừa đủ. Đậu xanh và gạo đãi sạch, cho nước vào nấu thành cháo. Khi cháo nhừ, cho gan lợn đã băm nhỏ, nêm gia vị vừa đủ. Đậu xanh vị ngọt, hơi tanh, tính hàn có công dụng bổ nguyên khí, thanh nhiệt, giải độc, tiêu khát. Gan lợn vị ngọt, tính ôn, bổ gan dưỡng huyết.

Cháo sò huyết: sò huyết 1kg, gạo tẻ 200g, đậu xanh 1 nắm tay, gia vị đủ dùng. Sò huyết rửa sạch, lấy dao tách lấy ruột. Vo sạch gạo và đậu xanh đun thành cháo. Cháo chín cho sò huyết vào nấu chín sò huyết là ăn được. Món cháo giàu canxi, có tác dụng bổ máu, thích hợp cho phụ nữ ăn trong ngày kinh nguyệt và phụ nữ mới sinh con.

BS. Đào Sơn

Chủ Nhật, 12 tháng 5, 2013

Nộm tai heo


Món nộm tai heo này ngon, nhưng bây giờ thấy ít nhà làm, cũng không hiểu tại sao nữa. Bây giờ thấy mọi người chủ yếu thích nộm (gỏi) với tôm, mực hoặc là thịt bò hơn. 
 
Nguyên liệu
Thịt tai lợn: 200 g
Dưa chuột:50 g
Cải thảo: 100 g
Hành tây: 50g
Cà rốt: 50 g
Lạc nhân: 100g
Gia vị: Giấm, chanh, đường, tỏi, ớt, nươc mắm, mì chính, hạt tiêu, muối, rau răm, rau mùi, lá chanh.

Làm món ăn ngon với nộm tai heo
Cách làm:
Các nguyên liệu sơ chế sạch. Chanh vắt lấy nước.

Thịt tai lợn cho vào xoong nước lạnh luộc chín tới, để nguội, thái miếng mỏng ướp muối, mì chính, lá chanh, nước chanh.

Hành tây thái miếng mỏng theo chiều dọc củ, ngâm với cải thảo tách riêng từng lá thái vát.

Dưa chuột bổ đôi nạo bớt ruột thái vát mỏng.

Cà rốt thái hình chân hương.

Tỏi, ớt băm nhỏ ngâm dấm. Rau mùi, rau răm thái khúc ngắn.

Lạc rang vàng giã dập.

Dung khay sạch cho dưa chuột, cà rốt, cải thảo đã thái vào khay, cho dấm, đường vào trộn đều, để ngấm khoảng 5 phút, chắt bỏ nước.

Cho tiếp tỏi, ớt, đường, nước cốt chanh, nước mắm, hành tây vào khay. Các nguyên liệu trộn đều, nêm gia vị nổi chua, ngọt, cho thêm muối, tai heo đã thái vào trộn đều, nêm vị nổi chua ngọt. Trước khi ăn 15 phút cho lạc, rau răm, rau mùi, bày vào đĩa.

Rộ trào lưu ăn cơm lười ở Hà Nội

Áp lực công việc và sự bận rộn của cuộc sống khiến nhiều chị em không có đủ thời gian để chuẩn bị cho bữa ăn gia đình. Bắt cả nhà đi ăn tiệm thì không nỡ, mà lao vào bếp núc thì mệt mỏi, vì vậy, trào lưu ăn... cơm "lười" ra đời.

Mua cơm "online"

Bữa cơm gia đình là một nét văn hóa rất độc đáo của người dân Việt Nam, là sợi dây vô hình gắn kết từng thành viên trong gia đình. Nhưng cuộc sống hiện đại với nhiều áp lực, đặc biệt là sự thiếu thốn thời gian khiến “sợi dây” ấy, với không ít người, là sự trói buộc.

Chị Mỹ Nga, một nhân viên ngân hàng (phố Nguyễn Khang, Hà Nội) chia sẻ chân thành: “Sau một ngày bù đầu với công việc ở cơ quan, vừa tan sở lại quýnh quáng, vội vã chen chân vào các khu chợ đông đúc, rồi đau đầu lựa chọn thực phẩm sao cho vừa lành, vừa tươi, tất tưởi về nhà nấu nướng cho bữa tối kịp giờ và ngon miệng, nói thực, cảnh tượng ấy khiến tôi rất ngán. Nhiều hôm mệt quá, chỉ muốn “bắt” cả nhà đi ăn cơm hàng, nhưng nghĩ đến mấy vụ thịt ôi, cá thiu thì ghê quá. Nếu chỉ có hai vợ chồng chắc cũng nhắm mắt ăn bừa, nhưng còn ông bà và hai đứa trẻ con nữa, nên cũng khó…”.

Chị Linh Nhung (kế toán, phố Nguyễn Ngọc Nại, Hà Nội) cũng cho hay: “Nhà mình kỹ tính, dù có người giúp việc nhưng mình luôn phải tự tay nấu mới ăn được. Ra nhà hàng ăn thì không kinh tế, vả lại cũng không ấm cúng; hôm nào vội quá, mình dùng thực phẩm chế biến sẵn như đồ hộp thì hôm đó cả nhà 'lãn công', ăn rất ít vì hương vị không tự nhiên.”

Không ít chị em cũng có chung nỗi lo ngại như chị Nga và chị Nhung: họ vẫn muốn gia đình mình có một bữa cơm ngon lành nhưng không có thời gian nấu, nhất là những món cầu kỳ hoặc “bế tắc” trong việc chọn thực đơn. “Cứu tinh” của họ là… cơm "lười" – những món ăn mặn được một số cá nhân, hộ gia đình sản xuất tại nhà.
Thực đơn các món ăn ngon với cơm lười

Thế là, thay vì phải “xông pha” vào chợ buổi chiều, căng mắt lựa chọn thực phẩm và mất hàng giờ chế biến, những người bận rộn chỉ cần gọi điện, vào web chọn món và đặt giao hàng tại nhà, chăm hơn một chút thì phi xe đến bếp homemade mà mình chọn để mua đồ ăn, thủng thẳng về nhà cắm nồi cơm, hâm lại thức ăn, thế là đã có ngay một bữa cơm nóng sốt, thơm ngon.

Ở hai thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM, có khá nhiều “tín đồ” của trào lưu cơm "lười". Đương nhiên, song hành với trào lưu này là hình thức kinh doanh thức ăn homemade. Nếu như ở Hà Nội, Nhà hàng B.C., bếp nhà B., bếp T.X., bếp G.M., bếp H.L., bếp Z., bếp chay chị H.… là đình đám, sau đó có bếp “bà Ch.”, mới hơn là bếp Món ngon của mẹ, bếp M… thì ở TP.HCM, bếp của Ph. và bếp C.C.N. đang “làm mưa làm gió” trong giới văn phòng và các chị em bận rộn.

Dạo qua các bếp, không khó tìm thấy lý do khiến họ có nhiều người hâm mộ đến thế. Không chỉ chạm trúng “huyệt” lười của chị em, các bếp còn tung ra nhiều món ăn cầu kỳ và mất thời gian đến mức ngay cả những bà nội trợ kỳ cựu nhất cũng phải nhún vai như: sụn sườn non chưng mắm tép, xôi chim bồ câu, ếch đồng xào măng, cá quả xào nấm, dạ dày om tiêu, chim bồ câu hầm… của Bếp “bà Ch.”; giả cầy, bò cuốn lá lốt, chả mực, chả cá mối, ruốc nấm… của Nhà hàng B.C.; cá sông kho riềng, thịt kho dừa bánh tẻ, thịt heo ngâm mắm... của Bếp của Ph. hay thịt bò kho gừng, sườn xào chua ngọt, cánh gà chiên các kiểu… của C.C.N. Không chỉ món mặn, ngay cả những món khai vị, món xào, món tráng miệng cũng được các bếp homemade chuẩn bị cho những khách hàng của mình.

Nhìn vào số lượng người theo dõi và ưa thích Facebook của các nhà bếp này mới thấy, trào lưu cơm lười đang lan rất nhanh. Các “tín đồ” của trào lưu này gần như liên tục truy cập vào tài khoản của các bếp và hưởng ứng các thông tin mới, gợi ý món, đặt hàng của bếp. Chủ Nhà hàng B.C. tiết lộ, chị có hơn 300 khách hàng thường xuyên, tương tự thế, “mối ruột” của Bếp “bà Ch.”, Bếp của Ph., C.C.N. và các bếp homemade khác đã lên đến con số hàng trăm và vẫn đang tăng lên.

Anh Tiến Đạt, một người bị vợ “đồng hóa” thành tín đồ của trào lưu cơm "lười" ca ngợi: “Đồ ăn sẵn nhưng không hề công nghiệp, rất ngon, sạch sẽ và nhiều món đặc biệt.” Chị Khánh Vân cũng hào hứng kể về chuyện lười: “Nhiều hôm đi làm về mệt, đang sắp nản thì nhớ ra cứu tinh, thế là đặt ngay đồ ăn sẵn cho cả nhà.”

Tín đồ cơm "lười": Sẵn sàng chi đậm để được ăn ngon


Cũng là thực phẩm chế biến sẵn, nhưng sở dĩ các bếp homemade làm các tín đồ cơm "lười" mê mệt và sẵn sàng chi trả cho mức giá đắt hơn thị trường khá nhiều, dao động từ 10-60% là bởi chất lượng của các bếp, theo người tiêu dùng đánh giá, là cao hơn hẳn so với cơm hàng. Chị Hương Nhu thích thú kể: “Lần đầu mua thức ăn sẵn của bếp về, thú thực mình còn hơi sợ bị chê là lười, nhưng rồi đồ ăn siêu ngon, đậm đà đến mức, cả nhà ăn hết veo, ai cũng khen, lại còn ủng hộ mình lười nữa chứ!” Cũng như những “người cùng hội” của mình, chị Nhu mê mẩn thức ăn của các bếp homemade vì sự sạch sẽ và yên tâm về nguồn gốc thực phẩm, nhất là sự đồng đều trong từng “mẻ” thức ăn.

Cùng với sự ngon, an toàn cũng luôn là thứ các chị em “soi” nhiều nhất khi chọn mua thực phẩm nấu sẵn. Chủ bếp M. quả quyết: “Tất cả các nguyên liệu tươi ngon đều được chính tay tôi lựa chọn từ sáng sớm tại các chợ lớn như chợ Hôm, chợ Thành Công, chợ Hàng Da, được sơ chế với nước máy sạch sẽ, chế biến vệ sinh trong nhà bằng bếp ga, xoong inox, chảo chống dính”.

Chị Lan Anh, người khởi xướng C.C.N. cũng cho hay, hiểu nhu cầu của những chị em bận rộn và cũng hiểu sự khó tính của khách hàng, tất cả các món ăn tại bếp đều được chế biến từ thực phẩm tươi sống hoàn toàn, nấu chín tại bếp gia đình bởi những người nội trợ kỹ tính và muốn giữ hương vị truyền thống trong gia đình. Món ăn cũng được giao ngay sau khi vừa nấu xong.

Bà nội trợ chọn món ăn ngon với cơm lười
Điều làm những người mê cơm "lười" yên tâm nhất là họ không sợ bị ăn thức ăn cũ, bởi các bếp luôn… kiêu, chỉ nấu một số lượng phần ăn hạn chế cho mỗi món hoặc theo đặt hàng của người mua. Có khi khách hàng phải “xí” trước cả tuần mới được nhận món yêu thích, vì các món ăn đều được làm rất kỹ theo những công thức gia truyền và quy mô gia đình nên không bao giờ có thể đủ nhiều để phục vụ nhu cầu của khách hàng hoặc bị thừa ra. Một số chủ bếp khẳng định, họ muốn thức ăn giữ đúng vị gia đình và không công nghiệp hóa nên dù đắt hàng, họ sẽ hạn chế mở rộng sản xuất.

Với những khách hàng tiềm năng còn đắn đo việc có nên hay không gia nhập trào lưu cơm lười, một số bếp còn hào phóng giới thiệu cặn kẽ về nguồn gốc, cách thức, quy trình chế biến thực phẩm bằng những hình ảnh trực quan và những bài viết về món ăn rất hấp dẫn. Sự hưởng ứng của những khách hàng “ruột” với những thông tin này cũng phần nào lôi cuốn người khác chú ý hơn đến các bếp. Tự tin hơn, nhiều bếp sẵn sàng mời những người còn hoài nghi đến xem quy trình nấu nướng của họ mà không cần thông báo trước. Một chủ bếp tiết lộ, không ít người đã “ngã lòng” sau vài lần tham quan và thưởng thức món ăn của bếp.

Trào lưu ăn cơm "lười", ngó qua có vẻ như một sự “cổ xúy” cho những phụ nữ hiện đại không muốn mất thời gian cho việc bếp núc, nhưng với không ít người, lại là một sự giải phóng. Xu hướng tiêu dùng này, ít nhiều đã tặng cho họ cơ hội được nghỉ ngơi, thư giãn và dành thời gian cho bản thân nhiều hơn mà vẫn chăm sóc chu đáo cho bữa cơm của cả nhà.


Bánh Khảo, Kẹo Lạc

Về bánh khảo, hoặc nhân hạt sen, đậu sen hay đậu xanh, thì hiệu Cự Hương là nhất. Ngày trước, hiệu Ngọc Anh có tiếng khắp kẻ chợ thôn quê; như từ ngày Cự Hương ở tỉnh Đông dồn lên, thì ngôi bá chủ đã thay người. Trong khi Cự Hương mỗi ngày một tiến bộ trong cách tìm tòi khiến cho bột bánh được mềm dẻo, nhân đậu được nhuyễn trong, và cách trình bày được sạch sẽ tinh thơm, thì Ngọc Anh nằm ngủ trên cái danh vọng cũ của mình, uể ỏai bán hàng cho khách. Hiệu đó hình như giàu rồi mà lại ... Mà người Việt Nam mình phần nhiều giàu có rồi thì không hay cố nữa. (Đó là cái tật chung của người mình, khiến cho không có một công cụ nào được phát đạt lâu dài, cả từ trong cách buôn bán cho đến những công nghệ khác). Thế mà Ngọc Anh còn thứ kẹo lạc ngon, ngon vì mùi vani cho vừa phải, vì cái rải vừng vừa chín không hăng sống và cũng không khét cháy, và nhất là đường của kẹo không dính răng ... Cái ngon đó tôi cho cũng là một sự tình cờ, ngay chính nhà hàng bán có lẽ cũng không biết rằng hàng của mình ngon hơn hàng khác. Vì ta thử vào mua ở hiệu đó mà xem; chẳng có ai săn đón mời chào khách, nhà hàng thản nhiên và dửng dưng như không cần bán, mua hay không, đều tỏ ý không cần. Nếu ta giục lắm, bấy giờ mới có hai cậu nhỏ quần vải, áo nâu, quệt tay vào tà áo, rồi thò vào lọ bốc kẹo, gói vào mảnh nhật trình cũ, nếu ta mua có năm xu hay một hào. Ấy là hồi giấy còn rẻ, chứ bây giờ ...

Thật là đàng tiếc. Ồ, sao sự cố gắng ở nước này không được lâu bền nhỉ? Hiệu Cự Hương phát đạt một độ, giờ xem ra hình như cũng đã có những triệu chứng tuy chưa rõ rệt của một sự mệt mỏi, chểnh mảng rồi.

Món ăn ngon với bánh khảo, kẹo lạc
Mà tài làm bánh của người mình không phải là kém cỏi. Cái thứ bánh dẻo Trung thu của Cự Hương không kém gì bánh của Tàu, và các thứ bánh kem của Việt Hương không thua gì bánh của Tây. Ta chỉ còn thua cái chí, cái cố gắng nữa mà thôi: nghĩa là còn thua nhiều, nhiều lắm.

Cho nên ngày tết Trung thu, thấy người Việt Nam xô nhau đến mua bánh nướng của đông Hưng Viên, chen đẩy nhau như họp chợ, và chịu khó chờ đợi hàng giờ, nghe những câu vô lễ và nhìn cái vẻ không cần của mấy chú bán hàng, chúng ta chớ nên lấy làm lạ vội. Người Việt Nam mình nghĩa là ông với tôi nhẫn nhục và kiên nhẫn cũng nhiều lắm.

Thứ Bảy, 11 tháng 5, 2013

Sa lát trộn dầu dấm


Xà lách trộn dầu dấm là món ăn ngon dễ làm, rất thích hợp khi măm cùng với các món thịt nướng, thịt nguội, hoặc thịt xông khói. 

Món này nguyên thủy không có trứng, nhưng sau này có rất nhiều biến thể khác nhau. Các bạn có thể mua một hộp cá sốt cà, nhỏ thôi ở siêu thị, phi hành thơm,  xào qua rồi đổ lên trên là các bạn có món xà lách trộn cá. Hoặc mua thịt xông khói, nướng sơ hoặc áp chảo rồi thái mỏng rắc lên trên. Ở đây thì mình dùng trứng luộc, nên đúng ra phải gọi là xà lách trộn dầu dấm + trứng luộc mới phải.

Nhưng thôi, gọi là gì thì gọi, măm ngon là được…

Nguyên liệu:
Rau xà lách : 100 g
Giá đỗ : 100 g
Trứng : 1 quả
Hành tây : 150 g
Dưa chuột : 200 g
Cà chua : 150 g
Gia vị : Muối,  đường, dấm, ớt, tỏi, dầu ô liu

Làm món ăn ngon với sa lát trộn dầu dấm
Sa lát trộn dầu dấm nguyên thủy

Cách làm:
Các loại nguyên liệu rửa sạch, vảy ráo nước, cà chua thái lát, hành tây thái mỏng vừa. Dưa chuột bổ đôi theo chiều dọc, nạo bớt ruột thái vát. 

Trứng gà luộc chín, bỏ vỏ, bổ làm 6 miếng.

Hành tây, giá đỗ xóc muối, ngâm dấm 5 phút trước khi trộn.

Tỏi, ớt băm nhỏ.

Nước dầu dấm : 1 thìa đường, 2 thìa dấm, nửa thìa cà phê muối, nửa thìa dầu ô liu, tỏi, ớt.
Cho các nguyên liệu : dưa chuột, giá đỗ, hành tây và ½ cà chua vào âu sứ, múc nước sốt đã pha vào trộn đều.

Rau xà lách bày lót đĩa, bày xen kẽ cà chua cho đẹp. Các nguyên liệu đã trộn bày trên rau xà lách.

Khi làm các bạn nên trộn nhẹ tay để rau được giòn, không bị nát. Nói chung xà lách trộn dầu dấm không nên làm cay quá, chua – cay – mặn – ngọt nên cân đối.

Bánh Đậu

Chắc nhiều bạn đọc còn nhớ cái thứ bánh đậu Hải Dương, đã nổi tiếng, mà ngày bé, chúng ta thường nhận được do tay bà mẹ đã đi đâu một chuyến xa về? Cái thứ bánh đậu khô, bột nhỏ như phấn, đóng hình vuông, có in dấu một hai chữ triện. Thuở nhỏ, chúng ta thích ăn thức quà ấy lắm, nhưng nếu chúng ta mắc bệnh ho, thì không khỏi lắm lúc bực mình. Miếng bánh vừa bỏ mồm chưa kịp nuốt, một cơn ho đã làm bật ra ngoài như làn khói ... Mắt chỉ còn tiếc ngẩn ngơ nhìn.

Bây giờ là thứ bánh đậu Hải Dương ấy không còn nữa. Có lẽ người ta thấy cái bất tiện của bột khô cho các trẻ bé và cho các ông cụ già. Ở Hà Nội, người ta làm một thứ bánh đậu ngon hơn, đó là một thứ bánh đậu ướt, thứ bánh đậu có mỡ. Một thứ bánh để ăn trong khi uống chè tàu, cái vị béo ngọt của bánh rất ăn với cái vị đắng của nước chè.

Đó là thức bánh rất hợp dùng trong lúc thưởng thức ấm chè ngon và tôi lấy làm tiếc rằng sao người ta lại không nghĩ chế ra một vài thứ bánh tương tự như thế nữa; để có đủ bánh mà đặt ra cái lệ "chè bánh" vào quãng năm giờ chiều, như thói tục người Anh. Một tục lệ đáng quý, khiến một ngày đầy đủ hơn, và sau cùng sự là bánh trái cũng khéo léo và tinh khiến hơn. Cũng là một công việc đáng làm, như sự khuyến khích các mỹ thuật khác trong nước. Bánh đậu ướt ngon nhất là bánh đậu của Hàng Bạc và Hàng Gai. Bây giờ hai phố vẫn cạnh tranh nhau để lấy tiếng, và thêm vào cuộc tranh giành, còn có phố Hàng Đào và phố Hàng Đường nữa. Nào hiệu Ích Nguyên Hàng Gai, hiệu Giu Nguyên và Thanh Hiên Hàng Đường, ... Mỗi hiệu đều trình bày một thứ bánh với một hương vị riêng. Ai chiếm giải quán quân bánh đậu? Thật là khó giải quyết. Tôi lần lượt dùng hết chừng ấy thứ, đã ngẫm nghĩ và suy xét nhiều về cái vị ngon trước một chén chè tầu bốc khói. Tôi không có cái kiêu vọng bắt buộc người khác phải theo cái quyết định của mình. Nhưng tôi không khỏi cái sở thích riêng trong việc đó.
Món ăn ngon từ bánh đậu xanh Hải Dương

Bánh đậu của Ích Nguyên thì thẳng thắn và thực thà, mịn vì đậu ngon nguyên chất. Bánh của Thanh Quang nhiều hương thơm vani, nhưng đường dùng hay loạn soạn, của Giu Nguyên thì ướt vì nhiều mỡ quá; của Cự Hương thì nhạt vị, của Việt Hương thì dẻo quá; tựa như đậu trắng, của Ngọc Anh thì hơi khô khan, của Thanh Hiên thì hơi cứng mình ... Kể về vị ngon, thì mỗi thứ của một hiệu đều có một đặc sắc riêng, đủ để cho người ta chuộng. Nhưng tôi thì ưa thích thứ bánh đậu của Hàng Gai hơn, vì giản dị và mộc mạc. Đậu thì nguyên chất đậu, và hương thơm cũng chỉ là hương riêng của bột đậu xanh. Cho nên bỏ vào mồm thì tan đều, ăn ngẫm nghĩ rồi mới thấy béo, suy xét rồi mới thấy thơm. Cái ông cụ già làm bánh ở hiệu đó có nói chuyện rằng: trước kia, vì theo thời, ông cũng cho thêmhương vani vào bánh. Nhưng các khách hàng quen, trong số đó có vài ông khách hàng già ở ngoại ô, đều yêu cầu nên giữ nguyên hương vị đậu xanh như xưa, và nhà hàng từ đó cứ theo như thế. Đấy thật là một ý kiến hay.

Thứ Sáu, 10 tháng 5, 2013

Nộm thập cẩm


Nộm thập cẩm, lẩu thập cẩm, xào thập cẩm, cơm chiên thập cẩm... thập không có nghĩa là mười, mà là nhiều các bạn nhé. Nghĩa là khi làm các món này các bạn có thể tùy ý thêm bớt các loại nguyên, phụ liệu. 3 – 4 – 5 cũng là thập, mà 13 – 14 – 15 cũng là thập. Vấn đề là ở khả năng, ý thích của mỗi người và hoàn cảnh cụ thể thôi.

Trước mình mở hàng ăn, theo đúng công thức thì xào thập cẩm về rau thì phải có: cải xanh, cải thảo, cà rốt, nấm rơm, nấm mèo. Về hàng thịt thì phải có: thịt heo, thịt bò, gan heo, bóng, tôm, mực, cá viên. Gặp hồi khách đông thì cải xanh, cải làn, cải chíp cũng cho vào xào, rồi đến hồi, còn gì bán nấy, miễn là cân được vị là khách hàng ok.

Nguyên liệu :
Đu đủ, cà rốt nạo: 200 g
Dưa chuột tươi: 100 g
Lạc nhân: 100 g
Thịt nạc mông (thăn): 100  g
Giá đỗ: 100 g
Giò lụa: 50 g
Vừng trắng: 20 g
Trứng vịt: 1 quả
Chanh: 1 quả
Gia vị: Muối, dấm, tỏi,  ớt, rau thơm, rau mùi, kinh giới, đường, nước  mắm.

Món ăn ngon với nộm thập cẩm
Cách làm:
Đu đủ, cà rốt rửa bằng nước sôi để nguội, vớt ra rổ để ráo. 

Dưa chuột rửa sạch, bổ đôi, bỏ ruột, thái vát.

Giá đỗ rửa sạch để ráo nước.

Rau mùi, rau thơm, rau kinh giới nhặt, rửa sạch, cắt khúc ngắn.

Thịt lợn thái mỏng, ướp đường, tiêu, muối để ngấm, rán vàng, để nguội, thái chân hương.

Vừng, lạc rang thơm, bóc vỏ, giã dập.

Chanh vắt lấy nước.

Pha nước nộm: ¼ thìa muối, nửa thìa mắm, 2 thìa nước cốt chanh, 2 thìa đường,  ớt thì tùy ý. Nếm lại cho vừa mặn – ngọt – chua – cay. 

Đu đủ, cà rốt, dưa chuột, giá đỗ cho vào khay, dội ½ bát nước đã pha vào trộn đều để ngấm 5 phút, sau đó vớt ra để ráo.

Cho các nguyên liệu đã trộn trở lại khay. Cho ¾ thịt lợn, lạc, vừng, đổ nốt bát nước đã pha trộn đều các nguyên liệu, cho rau thơm vào trộn đều, bày ra đĩa. Trên đĩa nộm bày trứng, thịt, giò, lạc, mỗi thứ một góc, xen kẽ bày rau thơm, ớt tỉa hoa cho đẹp.

Những thứ chuyên môn

Những thứ quà đặc biệt riêng của từng vùng, ngày trước ta có nhiều Ninh Giang có bánh gai, Yên Viên có bánh giò, Lim có bánh lam, Ghềnh có bánh dài và chả nướng, Quán Gánh có bánh giầy tròn, Nam Định có bánh bàng, Hải Dương có bánh đậu ... Những thứ quà ấy nơi thì còn giữ được vị ngon như cũ, nơi thì chỉ có cái tiếng không. Người sành ăn bây giờ mỗi ngày một ít, người ưa chuộng của tốt cũng không còn có nhiều. Người ta bây giờ chỉ ham cái sự rẻ, và chỉ cần có cái mầu mỡ bên ngoài. Sự giả dối, điêu ngoa, và luộm thuộm, thay thế cho sự thật thà, cẩn thận. Không cứ gì trong các thức ăn, cả đến những sản phẩm khác cũng vậy.

Nhà đạo đức thì lấy thế làm lo riêng cho cái tinh thần của nước nhà, nhưng người sành ăn thì lo riêng cho cái vị ngon của những thức quà đáng quý. Cái nọ không phải là không có liên lạc đến cái kia: biết ăn, tức đã là một điều tiến bộ lớn trong các điều tiến bộ, nếu không phải là trong hàng những điều quan trọng nhất.

Những ý nghĩ về thế đạo trên này không khỏi lôi kéo chúng ta đi xa quá.

Món ngon với bánh quê

Vậy thì, nếu nơi nào có thức "chuyên môn" riêng của nơi ấy thì Hà Nội cũng có thức chuyên môn riêng của ba mươi sáu phố phường.

Một người Hà Nội về thăm quê, muốn đem ít quà thật là đặc biệt, thì người ấy lựa chọn những thứ gì?

Bánh cốm hàng Than ... Một thứ bánh ngon mà cũng không đắt, một thứ bánh gợi cho ta những kỷ niệm rất nhiều màu. Bánh cốm chính là thứ bánh cưới, trao đi đổi lại trong những mùa thu, để chứng nhận cho cái sung sướng của cặp vợ chồng mới, và cái vui mừng của họ hàng. Vuông vắn như quyển sách vàng, bọc lá chuối xanh buộc lạt đỏ; cái dây lạt đỏ như sợi dây tơ hồng buộc chặt lấy những cái ái ân. Nhân đậu xanh giã nhuyễn, vương mấy sợi dừa, và đường thì ngọt đậm. Có lẽ chúng ta có quyền phàn nàn rằng cái thứ bánh ấy và nhiều thức bánh khác của ta nữa, phần nhiều ngọt quá, ăn hay chóng chán. Nhưng bánh mừng đám cưới lại nhạt ư? Cho nên họ làm ngọt, hết sức ngọt, để tận tình dung cái đằm thắm của cặp vợ chồng (cũng vì thế mà tình yêu chóng chán).

Bánh cốm thường đi đôi với bánh xu xê. Cái tên kỳ khôi này ở đâu mà ra? Thứ bột vàng và trong như hổ phách ấy, dẻo và quánh dươi hàm răng, là một thứ bánh rất ngon. Dù sao, cũng là một thứ bột thẳng thắn, vì nó dễ cho ta đoán trước để mà thèm thuồng những cái ngon ngọt hơn ẩn náu bên trong. Qua cái màu vàng óng ánh ấy, màu trắng của sợi dừa và màu vàng nhạt của đậu thêm một sắc nóng ấm và thân mật. Tôi bao giờ cũng ưa thức ăn nào có một hình sắc đẹp đẽ cái đẹp lúc trông ngắm giúp nhiều cho cái thưởng thức lúc ăn lắm.
Món ăn ngon với bánh cốm
Hai thứ bánh cốm và bánh xu xê của Hàng Than Hà Nội, có thể nói là đã là nổi tiếng khắp Bắc Kỳ, từ kẻ chợ cho đến thôn quê. Ở Hàng Than, chỉ có hai nhà là chín hiệu. Ngày xưa, tên người làm bánh cũng bất tử liền theo với thứ bánh họ làm ra. Cái danh tiếng của cả một gia đình ghi trên nền lá chuối và tôi tưởng cô con gái của gia đình ấy chắc hẳn là đắt chồng. Bây giờ, cái tên hiệu được ghi nhớ hơn. Nhà bánh cốm "Nguyên Ninh" tôi tưởng là một nhà làm bánh cốm cũng đã lâu đời, cùng với nhiều nhà khác. Họ biết giữ cho cái vị bánh được ngon đều, và điều này cần nhất, biết thay đổi trong cách trình bày và trang điểm cho thứ quà được lịch sự và trang trọng thêm lên.

(Một nồi cốm thắng đường, lúc lấy ra, thế nào cũng còn lại ít nhiều chỗ cháy. Cái thứ cháy cốm ấy, ngọt sắc và dẻo cũng như "mè xửng", người ta bán năm xu một miếng cho những người ít tiền dùng, nhất là những người nghèo mà lại đánh bạn với ả Phù Dung, là những người tìm được cái ngon bất cứ ở thứ quà gì).

Một nhà khác ở phố Hàng Giấy mà tôi không còn nhớ số nhà hiện giờ làm những bánh cộng cũng khá ngon. Đó là một thứ bánh vuông và nhỏ, bột xanh thẫm như là mảnh cộng, tất nhiên, ăn mềm và thơm. Tôi không rõ họ có làm bánh gấc nữa không: hai thứ bánh ấy vốn đi đôi với nhau, một thứ xanh, một thứ đỏ. Người ta vẫn ăn, nhưng chỉ ăn thỉnh thỏang. Vì các thứ bánh bột của ta đều phải một tật là chất bột nặng quá. Nếu làm cách nào làm cho thứ bộ "nhẹ" hơn, thì những thứ bánh ấy mới có thể bán nhiều được.

Nộm hoa chuối

Nộm hoa chuối là một món ăn mang đặc trưng miền Bắc, với những nguyên liệu “vườn nhà”. Ấy là nói vui theo cách của mấy bác nhà văn, chứ ở thời buổi tấc đất – tấc vàng này còn mấy nhà có vườn để mà trồng rau. Ngay như câu: “Rau La – Húng Láng”,  hàng ngày Bí Ngô đi làm đi học, cả Láng Trung – Láng Thượng – Láng Hạ, tới đường La Thành, chỉ thấy nhà cao tầng, chẳng nổi 1 cm trồng rau.

Nói lòng vòng mãi thôi thì chốt lại là cái món nộm hoa chuối ấy – nó dân dã lắm !

Nguyên liệu
Hoa chuối tây: 200 g
Hành tây: 50 g
Vừng: 20 g
Thịt nạc vai: 100 g
Giá đỗ: 100 g
Tai lợn: 50 g
Lạc rang: 50 g
Chanh: 1 quả
 Làm món ăn ngon với nôm hoa chuối

Cách làm:
Hoa chuối sơ chế  sạch, thái mỏng, ngâm nước có pha dấm, ngâm 15 phút vớt ra để ráo.

Tai lợn sơ chế, luộc chín, thái mỏng ướp tiêu, muối, lá chanh, nước cốt chanh.

Thịt nạc vai luộc chín, thái chỉ, ướp hạt tiêu, muối.

Lạc, vừng rang vàng, xát vỏ, giã dập.

Ớt bỏ hạt, băm nhỏ. Giá đỗ rửa sạch.

Cho hoa chuối, giá đỗ, ½ thịt, tai lợn vào liễn rưới nước mắm, chanh đường, muối, rau thơm, mùi thái nhỏ.

Cuối cùng trộn đều lạc, vừng, bày ra đĩa. ½ thịt, rau thơm, rau mùi lên trên.

Thứ Năm, 9 tháng 5, 2013

Còn Quà Hà Nội

Trong một bài trước, tôi đã nói đến thứ bánh cuốn Thanh Trì, là thứ quà Hà Nội. Nhưng đây là thứ bánh không nhân, tuy cũng gọi là bánh cuốn, mà không cuốn gì hết. Hà Nội còn thứ bánh cuốn khác nữa, mấy lần bánh mỏng lấy nhiều vị làm nhân mà gần đây được người hàng phố hoan nghênh đặc biệt.

Chắc nhiều người còn nhớ hương vị của những chiếc bánh cuốn "hai mươi bốn gian". Thuở ấy, Hai mươi bốn gian còn là một xóm thịnh vượng của cô đầu, mà sự hoạt động vui vẻ còn kéo dài mãi đến đêm khuya. Trước cửa những nhà hát ấy, về phía bên này đường xe điện, có một chiếc nhà lá bé con, ẩn núp dưới bóng cây xoan xanh tốt. Trong cái nhà nghèo nàn ấy tự mười hai giờ đêm cho tới sáng, một bà già và hai cháu nhỏ cúi mình trên một cái nồi con bí mật làm ra những chiếc bánh cuốn nóng sốt và ngon lành. Khách chơi đêm khi lách nhìn qua cửa liếp vào, đã ngửi thấy mùi hành thơm phi mỡ, và trông thấy làn khói trắng bốc lên ở chiếc nồi.

Của đáng tội, bành cuốn của bà cụ, cứ kể về giá trị riêng thì cũng không lấy gì làm ngon lắm. Nhưng người ta ăn thấy ngon, vì phải tìm tòi đến mà ăn, phải chờ đợi từng chiếc một. Vì đêm khuya, sau những cuộc hành lạc còn để lại như vị đắng trên đầu lưỡi, người ta thèm được nếm cái vị cay chua của nước chấm, quất mạnh như chiếc roi vào cái chán nản của sự chơi bời.

Các món ăn ngon trong quà Hà Nội xưa
Sau đó, khi xóm cô đầu dọn đi chỗ khác, thì bà cụ cùng hai đứa cháu cũng không bán hàng nữa, có lẽ không biết bán cho ai. Và cái món bánh cuốn cũng hình như không được ưa chuộng nữa.

Cho đến gần đây, các hiệu bánh cuốn mớilại thi nhau mở. Hiệu bánh cuốn Hàng Đồng, hiệu bánh cuốn phố Nhà Thờ, hiệu bánh cuốn phố Mã Mây. (Hồi đó là hồi thang cuốn khởi đầu được hoan nghênh, cùng với hiệu phở Bình Dân). Người ta bán khắp cả đủ các hạng từ một xu cho đến một hào một chiếc, không kể những hàng bánh cuốn rong, mỗi tối lại làm vang phố phường Hà Nội với cái tiếng rao lanh lảnh và kéo dài.

Không kể mấy anh hàng bánh cuốn lập dị và có vẻ đôi chút thượng lưu, đáng lẽ đội thúng thì họ gánh một gánh như gánh phở: một bên đựng thùng bánh cuốn lúc nào cũng bốc hơi. Rồi họ đặt ra một thứ tiếng rao kỳ lạ lốc bểu. Nghĩa là gì? Tôi chịu không biết hai nguồn gốc của hai tiếng đó ra sao?

Nhưng cái đó không cần lắm: điều cần là thức hàng họ ăn ngon. Tiếc thay, lại ít khi được như thế lắm. Bột bánh của họ phần nhiều thô không được mịn, còn nhân cũng không phải là thứ thịt ngon.

Bánh cuốn muốn ngon thì phải nhà làm lấy. Cách làm như thế này, và tôi trình bày ở đây các phương pháp bí truyền làm bánh cuốn, đã nẩy ra trong óc tôi một ngày đáng ghi nhớ ở trên bờ hồ Tây. (Tại sao lại hồ Tây, xin xem qua xuống dưới sẽ biết).

Cốt bánh để bọc thì dùng bánh cuốn Thanh Trì, là thứ mà bột dẻo và thơm hơn hết. Như vậy, đã được công xay bột và tráng bánh, và vị tất làm đã ngon bằng. Còn nhân thì một ít thịt vai nửa nạc nửa mỡ thật tốt, mấy cái nấm hương, vài lá mộc nhĩ và một ít tôm tươi hồ Tây, bóc vỏ và thái miếng. Tôm hồ Tây, của những thuyền siết mang lên bán vào khỏang mười hai, một giờ trưa, là thứ tôm ăn ngậy và ngọt vị.

Chừng ấy thứ, thêm mấy nhát hành, chút nước mắm ngon, hồ tiêu bắc xào qua với mỡ trên chảo nóng. Rồi lấy bánh cuộn nhân vào; công việc nàu nên để tay mềm mại và khéo léo của các bà làm, để nâng niu cái màng bột mỏng cho khỏi rách. Xong, bỏ vào nồi hấp.

Lúc ăn chấm nước mắm Phú Quốc, chanh, ớt và cà cuống nguyên chất hồ Tây; tùy thích có thể kèm them đậu rán nóng; một miếng ăn là một sự khoái lạc cho khứu quan và đầu lưỡi, và chúng ta cảm ơn Thượng Đế đã dành riêng cho loài người những thứ vị ngon.

Tôm là cái nhân cốt cần cho nhiều thứ bánh: bánh cuốn, bún cuốn, chả rán, thang ... Cho nên một thứ bánh bột cũng ngon là thứ bánh ít nhân tôm (nhưng mà nhiều).

Sáng sớm, thường có một vài ba hàng đội cái thúng trên đầu đi bán; họ bán một thứ gọi là bánh tôm và một thứ kêu là bánh ít.

Bánh trên là những cái chén bằng bột trắng nho nhỏ, thứ bột ăn giòn. Khi bán họ múc vào cái thứ chén ấy, một ít tôm khô tơi vụn, tẩm vào một ít mỡ rất trong. Thứ quà trông tựa như một thứ hoa lạ, dài trắng và nhị hồng.

Còn bánh ít thì lần bột chín trong để cho người ta đoán thấy cái màu đỏ của lưng tôm, và màu đen của mộc nhĩ. Họ trình bày chiếc bánh như những hòn tròn, cứ trượt trơn dưới đũa. Tôi ưa thích hơn cái hình thù bánh bao, bánh bẻ của những nhà sang trọng ngày giỗ Tết. Trong cách nặn bánh theo hình thể thanh thanh, người cảm thấy cái hoa tay mềm mại của các cô thiếu nữ; cái tìm tòi nghệ thuật ấy giúp cho bánh ngon thêm nhiều lắm. Không cứ phải có của ngon, còn cần phải nâng niu kính trọng nữa.

Hết mặn, lại đến ngọt ... Có lẽ một độc giả nào đó không thích cái mục Hà Nội ... phố phường, sẽ nói thế khibắt đầu đọc bài này. Nhưng tôi không thể bỏ qua những quà rong Hà Nội, mà lại không nói đến các thứ quà ngọt, ở Hà Nội, cũng nhiều bằng quà mặn, và nếu người ta ưa mặn lắm, thì người ta ưa ăn ngọt cũng không phải không nhiều.

Nhưng mà tôi cũng chỉ nói sơ qua mà thôi. Vì các thứ quà ngọt ở Hà Nội cũng không có gì là đặc sắc, nhất là quà nước.

Đêm đêm các phố vẫn vang động tiếng rao của người bán hàng lục tầu xá và người bán chè sen.

Quà trên là một thứ chè đậu xanh, ngọt đậm từ thứ nấu cả vỏ đến thứ bỏ vỏ, từ thứ đặc sệt như bột của phần nhiều người bán Việt Nam, đến thứ loãng hơn và sặc mùi vỏ quýt của chú Khách vẫn bán kèm với "chí mã phù" ở các ngõ Quãng Lạc và Hàng Buồm. Còn chè sen thì chỉ người ta bán, mà bao giờ người bán hàng cũng là một đàn ông đứng tuổi, mặc áo cánh nâu và quần nâu. Nhưng cái thứ chè của bác ta ngọt quá, và đắc nữa. Một xu thường chỉ được bốn, năm nhân hạt sen. Thứ quà của bác người ta không ăn luôn, chỉ để mời mấy ông cụ nhà quê ra chơi tỉnh, hoặc để cho bà trưởng giả nuông chiều mấy cậu non yếu dạ dày.

Cùng một thứ quà nước ngọt và nóng ấy, thỉng thỏang ở Hà Nội, tôi còn nghe thấy cái tiếng rao là lạ "Sa cốc mày". Lầu đầu nghe, tôi tưởng là một thứ quà ngon lắm, ít ra cũng có một vị lạ như cái tên gọi nửa Tàu, nửa Mán kia. Tôi gọi mua ăn. Nhưng hóp được vài hóp, thì miếng quà trở nên khó nuốt và ngán như lúc phải nói hết một câu hài mình thấy là nhạt rồi. Nó có gì đâu: chẳng qua là một thứ bột viên nhỏ và tròn, nấu với nước đường.

Sao bằng mát ruột và lạnh hơn lúc đương nực, ăn một xu chè đậu đen của cô hàng đòn gánh cong ở sau phố Sinh Từ? Trong buổi đêm mùa hạ, khi các hè phố ngổn ngang những người nằm ngồi hóng mát, từ viên công chức cho đến bác thợ thuyền, thì các cô qua lại luôn luôn bật ra cái tiếng rao: "Ai cháo đậu xanh, chè đậu đen ra", lanh lảnh và kéo dài như một luồng gió mát.

Giờ tôi nói đến mấy thứ quà nước ngọt có lẽ chỉ riêng Hà Nội mới có. Mà cũng không phải là phố nào các hàng quà ấy cũng đi qua. Các thứ ấy chỉ bán quanh quẩn trong mấy đường lối gần Hàng Buồm và phố Mã Mây, phần nhiều trong các gõ tối tăm. Bán cho ai? Cho những người hút thuốc phiện nghiện hay không là những người vừa thích ăn của ngọt, lại của ngọt mát để có nhuận tràng, và đủ cầu kỳ đề ưa những món quà phiền phức ấy.

Khi ngài say thuốc rồi, muốn ăn thư quà ngọt để hãm dư vị của Phù Dung, nóng để khỏi giã sự say sưa, và rẻ để đủ no với vài xu nữa, thì xin gọi mua một bát "Súi ỉn" (hay dủyn, sùi din, hoặc tương tự) của chú Khách trọc đầu ngồi bán ngoài cửa tiệm. (Tiện đây nói rằng chú ưa ngồi đấy, một là để bán hàng,mà hai nữa cũng là để hịt lấy mùi hương khói). Đó là thứ bánh trôi nước, bột bọc nhân vừng, dừa và đường, thả lềnh bềnh trong một thứ nước cũng đường. Thứ quà rất nóng hỏi, vô ý cắn vào thì buốt răng. Quà ấy có ngon không? Tôi chịu không biết được. Và theo như lời một đồ đệ lão luyện của Phù Dung Tiên Tử, muốn thưởng thức được hoàn toàn cái hương vị của cái quà ấy, thì phải ăn lúc bụng đói và sau khi đã say sưa. Nhưng có một điều chắc là thức quà đó hẳn khó tiêu.

Hút thuốc hay ráo cổ. Thì có khó gì. Đã có thứ mía ngọt, nhưng mà hâm nóng, luộc trong một thứ nước riêng, có những vị gì tôi không biết, vì mấy lần hỏi, chú bán hàng cứ giữ bí mật của nhà nghề. Khấu mía và chén nước ấy, người ta rao bốn tiếng lạ lùng là: "Mạo cán chè, sủi!".

Nếu ông lại muốn vừa đỡ khát, vừa bổ âm, bổ tì hay bổ vị nữa, thì gọi mua một chén nước nóng "Bát bảo lường xà". Bát bảo là tám của quý, tám vị thảo mộc trong thuốc bắc, chú khách bán hàng đã cẩn thận phơi bã ở trên ria mép cái bình, để tỏ ý muốn hàng chân thật. Cái thứ nước ngon ngọt lờ lợ ấy đã suýt làm tôi buồn nôn. Nhưng nhiều người uống ngon lành lắm, hứng từng giọt cho đến cặn.

Giờ ông muốn được tiêu và nhuận tràng thì lại xin ăn một bát chè khoai. Khoai là khoai thường, cách nấu cũng rất thường, nhưng người ta gọi bằng ba tiếng nghe rất có vẻ Tàu: "Phán sì thoòng".

Tất cả những tiếng rao Tàu ấy, đêm khuya văng vẳng trong những gõ tối quanh co hòa với tiếng reo của nhĩ tẩu, với khói thơm của Phù Dung, đã tạo nên một không khí riêng cho Hà Nội, có lẽ không đâu có.

Thứ Tư, 8 tháng 5, 2013

Món ăn thuốc trị chứng khó “lên”

Tình trạng suy giảm khả năng tình dục ở nam giới có nhiều biểu hiện như:  dương vật không cương cứng do không ham muốn hoặc có ham muốn nhưng không “lên” được, hay có thể cương khi được kích thích nhiều, nhưng sau đó nhanh chóng trở lại như cũ.

Các nguyên nhân gây ra tình trạng này bao gồm:

- Sự thiếu hụt hormon testoterone (nội tiết tố nam), thường thấy ở người bị teo tinh hoàn (thường do quai bị), suy tuyến yên, u tuyến yên hoặc có bệnh làm tăng oestrogen (hormon nữ).

- Các dây thần kinh chi phối khả năng tình dục bị tổn thương, xảy ra ở người nghiện rượu, thuốc lá, ma túy hoặc người bị bệnh tiểu đường.

- Có tổn thương tủy sống, phải trải qua các phẫu thuật vùng bẹn và tiểu khung; hoặc mắc các bệnh như tai biến mạch máu não, động kinh, tụ máu dưới màng cứng.

Theo Đông y, chứng bất lực được điều trị theo phép “bổ thận” vì thận là cội nguồn của tạng phủ, là gốc của 13 kinh mạch, là cơ sở của sinh mệnh, là bể chứa của tinh huyết. Các bài thuốc chữa liệt dương, xuất tinh sớm, di tinh… của Đông y đều nhằm tác động đến tạng này.

Đơn giản hơn, bạn có thể sử dụng một số món ăn bài thuốc có tác dụng bổ thận tráng dương dưới đây để hỗ trợ điều trị:

Bài 1: nhục thung dung 20g, thận dê 1 quả. Thận dê làm sạch sau đó thái mỏng ướp mắm muối rồi cho nhục thung dung vào, đổ nước vừa phải, hầm cách thủy 1 tiếng. Món này ăn bổ thận khí, ích tinh huyết, tráng dương. Ai bị “khoản kia” ỉu, mỏi gối, đau lưng, tiểu tiện ban đêm nhiều lần do thận hư gây nên phải ăn món này. Cần ăn từ 7-14 ngày.

Bài 2: tôm nõn 250g, rau hẹ 200g. Dùng dầu vừng xào to lửa, khi chín cho thêm gia vị mắm muối vừa đủ rồi ăn với cơm. Cần ăn liên tục 7 ngày, có tác dụng bổ thận tráng dương.

Bài 3: gan dê 200g, rau hẹ 200g. Gan dê thái mỏng, cho dầu vừng vào xào với rau hẹ. Khi xào dùng ngọn lửa mạnh, lúc chín cho gia vị vừa đủ, ăn với cơm, ăn liền 7 ngày. Tác dụng ôn thận, cố tinh, ích huyết, dưỡng gan cơ thể cường tráng sinh lực dồi dào.

Bài 4: thận dê 1 đôi, cà dê 1 cái, nhục thung dung 15g, khởi tử 15g, ba kích 15g, sơn dược 15g, thục địa 15g, táo tàu 15g. Cho vào nồi đất hầm cách thủy 1 tiếng. Tác dụng ích tinh, bổ huyết, tráng dương, bổ thận khí, cơ thể cường tráng, tăng cường trí nhớ.

Bài 5: hải mã 10g, tơ hồng 15g, sơn dược 15g, thục địa 15g, dâm hương hoắc 15g. Sắc đặc uống 7 ngày, mỗi ngày 1 thang. Tác dụng: bồi bổ thận khí, chữa bệnh cương cử kém, tiểu đêm nhiều lần.

Bài 6: cà rốt 500g, thịt dê 500g. Hầm nhừ mỗi ngày ăn 1 lần, ăn liền 7 ngày. Tác dụng ôn thận, cố tinh, cường tráng sinh lực dồi dào.
Cà rốt hầm thịt dê ôn thận, cố tinh, tăng cường sinh lực.
Bài 7: cá chép 1 con (0,5-1kg), vừng đen 50g, gạo nếp 100g. Nấu cháo, ngày ăn 1 lần, ăn liên tục 7 ngày. Tác dụng bổ thận tráng dương, mạnh khỏe trẻ trung lâu dài.

Lương y Vũ Quốc Trung
Nguồn: Món ăn thuốc trị chứng khó “lên”

Thịt lợn kho tàu


Món này thích hợp ăn vào mùa đông, cùng với cơm nóng. Nhưng thỉnh thoảng hứng chí, Bí  Ngô vẫn làm, kể ra thịt lợn kho tàu ăn với canh cua, cơm chỉ ấm hoặc nguội cũng ngon như thường.

Nguyên liệu:
Thịt sấn mông (hoặc vai): 500 g
Đường phèn (mật) 50 g
Rượu trắng: nửa thìa canh
Xì dầu, nước mắm, húng lìu, hạt tiêu, nước hàng.

Món ăn ngon với thịt kho tàu

Cách làm:
Thịt lợn rửa sạch, thái miếng vuông quân cờ, ướp với nước hàng, hạt tiêu, rượu, húng lìu và xì dầu để ngấm.

Xếp các miếng thịt vào xoong, bắc lên bếp đun nhỏ lửa, để các miếng thịt ngấm nước hàng và gia vị, sau đó chế thêm nước sôi ngập mặt miếng thịt, đun sôi hớt bỏ bọt, giảm lửa để nồi thịt sôi âm ỉ. Khi thịt chín thì cho đường phèn (mật), nước mắm tới khi thịt ngấm đều gia vị, nước cạn còn sền sệt, thịt chín mềm là được

Xem thêm: Thịt kho trứng chim cút